Chương trình phát triển vật liệu không nung vượt mục tiêu
Cụ thể, theo mục tiêu của chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567 ngày 28/4/2010 (chương trình 567 và Quyết định 567), đến năm 2015, tổng số vật liệu xây dựng không nung đạt 20-25% tổng số vật liệu xây dựng.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết tính đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế vật liệu xây dựng không nung đạt 6,8 tỷ viên/tổng số 27,4 tỷ viên vật liệu xây dựng, đạt 26%. Trong khi đó, sản lượng vật liệu xây không nung đạt gần 6,17 tỷ viên/tổng số 24,5 tỷ viên, đạt 25%.
Trong 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng gạch không nung bao gồm gạch nhẹ và gạch xi măng cốt liệu lần lượt là 0,11 tỷ viên, đạt 105% và 0,95 tỷ viên, đạt 102% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở nước ta giai đoạn 2015-2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m cùng 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2.
Đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải khai thác 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m) cùng 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 .
Trước thực trạng sử dụng vật liệu nung ở Việt Nam vẫn còn chiếm tỉ lệ cao từ 90-95% có thể gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác, Bộ Xây dựng đã triển khai chương trình 567 nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất vật liệu không nung trong lĩnh vực xây dựng.
Đến nay, hầu hết các địa phương đã nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình đồng thời đề ra các biện pháp, kế hoạch và lộ trình cụ thể để phát triển vật liệu xây dựng không nung tiến tới hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.